Trang chủ Hoạt động giáo dục Hoạt động chuyên môn

Dạy học kết hợp thảo luận với thực hành sáng tạo nghệ thuật môn Mĩ thuật lớp 4 theo chương trình giáo dục phổng thông 2018

12/10/2023 804
Thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024, ngày 10/10/2023 tại Trường Tiểu học Vạn Phúc, Phòng GDĐT quận Ba Đình đã tổ chức thành công chuyên đề môn Mĩ thuật lớp 4 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bài dạy “Sắc hoa quê hương” bộ sách Cánh diều.

Tham dự chuyên đề có chuyên viên Phòng GDĐT quận Ba Đình, đại diện Ban giám hiệu, giáo viên giảng dạy môn Mĩ thuật khối 4 năm học 2023 - 2024  của các trường Tiểu học trong toàn Quận.

Tiết học do cô giáo Nguyễn Thị Tú Anh cùng học sinh lớp 4A3 trường Tiểu học Vạn Phúc thực hiện

Môn Mĩ thuật lớp 4 là sự kế thừa của môn Mĩ thuật lớp 1, 2 và 3. Chương trình được xây dựng theo định hướng hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực. Các năng lực đặc thù môn Mĩ thuật gồm: Quan sát và nhận thức thẩm mĩ; Sáng tạo và ứng dụng thẩm mĩ; Phân tích và đánh giá thẩm mĩ. Thông qua các đối tượng thẩm mĩ và phương pháp giáo dục tích cực, môn Mĩ thuật giúp học sinh nuôi dưỡng cảm xúc thẩm mĩ về bản thân và thế giới xung quanh, tình yêu nghệ thuật và cuộc sống, bồi dưỡng niềm tự hào về truyền thống văn hóa, nghệ thuật dân tộc, phát triển đời sống thẩm mĩ của cá nhân và cộng đồng; rèn luyện cho đức chuyên cần, tính trung thực, tình yêu lao động, ý thức trách nhiệm, tính tự lực, tinh thần hợp tác trong giải quyết đề học tập và vận dụng thực tiễn,...

Sách giáo khoa môn Mĩ thuật lớp 4 bộ sách Cánh diều được phân loại 3 dạng chủ đề: Dạng chủ đề, bài học hình thành kiến thức, kĩ năng và vận dụng vào thực hành, sáng tạo, chia sẻ cảm nhận; Dạng chủ đề, bài học luyện tập, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, đã biết vào thực hành, sáng tạo và trao đổi, chia sẻ cảm nhận; Bài ôn tập, củng cố những điều đã học.

Để giúp các thầy cô giáo dạy môn Mĩ thuật lớp 4 nắm được phương pháp và hình thức tổ chức dạy học dạng chủ đề, bài học luyện tập, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học, đã biết vào thực hành, sáng tạo và trao đổi, chia sẻ cảm nhận, cô giáo Nguyễn Thị Tú Anh - Trường Tiểu học Vạn Phúc đã tham gia dạy tiết chuyên đề minh họa dạng chủ đề này.

Tiết học của cô giáo Tú Anh có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên, được tương tác trực tiếp với các bạn và cô, có cơ hội tự tin thảo luận, chia sẻ về các ý tưởng sáng tạo của mình.

Hoạt động khởi động diễn ra trong không khí sôi nổi khi học sinh được tham gia múa hát bài: “Hoa lá mùa xuân”.

Trong hoạt động quan sát, nhận biết, học sinh được giới thiệu về sản phẩm và cách tạo ra bông hoa của chính các em đã làm ở tiết 1; ý tưởng và cách sắp xếp cắm nhiều hoa trong lọ/lẵng/bó hoa.

Học sinh được chủ động thực hành ý tưởng, được giao lưu, góp ý để tạo ra 1 lọ hoa đẹp mắt có sự kết hợp các yếu tố: chiều cao, màu sắc,...Ở hoạt động thực hành, sáng tạo học sinh được ngồi theo nhóm tập hợp, sắp xếp sản phẩm cá nhân để tạo thành sản phẩm nhóm theo chủ đề. Trong mỗi nhóm, các thành viên đều được trải nghiệm, thực hành và sáng tạo sản phẩm hoa bằng cách kết hợp một số vật liệu khác nhau với nhiều chủ đề phong phú.

Nhóm hoa đào cắm hoa trang trí góc thư viện lớp tạo không gian sống động cho giá sách; nhóm hoa sen tạo lẵng hoa đầy màu sắc tặng cô còn nhóm hoa mai tham gia lễ hội hoa với đủ các loại hoa đặc trưng vùng miền. Phát huy vai trò của nhóm, học sinh đã biết hợp tác, hỗ trợ thực hành tạo sản phẩm chung; được trao đổi, chia sẻ ý tưởng thực hành của mình và bạn về chất liệu, màu sắc, ứng dụng, thêm hình ảnh, chi tiết để sản phẩm nhóm hấp dẫn hơn.

Nhóm hoa đào trang trí góc thư viện

Nhóm hoa sen tạo lẵng hoa tặng cô

Nhóm hoa mai mời cả lớp tham gia “Lễ hội hoa” đầy màu sắc

Sau khi hoàn thành sản phẩm nhóm theo chủ đề, mỗi nhóm cử đại diện giới thiệu sản phẩm nhóm và trao đổi, chia sẻ, cảm nhận về sản phẩm cho các bạn cùng nghe. Ở hoạt động này, học sinh được rèn luyện kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ nói, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm sáng tạo của nhóm. Ở phần vận dụng kiến thức, học sinh được chia sẻ ý kiến sử dụng sản phẩm hoa trang trí ở đâu hoặc tặng ai giúp các em hiểu biết thêm nhiều ứng dụng kết hợp sản phẩm hoa trong việc trang trí trường, lớp và trong gia đình với nhiều ý tưởng độc đáo, đẹp mắt. Giáo viên cũng đã khéo léo lồng ghép giáo dục kĩ năng sống như: cách tặng và lời chúc khi tặng hoa, ý thức giữ gìn cảnh quan nơi mình sống, học tập và nơi công cộng.

Với cách truyền tải, dẫn dắt nhẹ nhàng của cô giáo, tiết học diễn ra vui vẻ, học sinh học tập sôi nổi, chủ động, tích cực, phát huy được năng lực: tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh.

Sau khi dự tiết chuyên đề, các cán bộ, giáo viên đã tích cực tham gia phần trao đổi, đánh giá cao hiệu quả của tiết dạy. Thông qua nội dung thảo luận, chia sẻ, các cán bộ quản lý, giáo viên của các trường Tiểu học đã đưa ra các giải pháp về việc giáo viên dạy kết hợp, lồng ghép hoạt động thảo luận nghệ thuật với hoạt động thực hành sáng tạo nghệ thuật bằng hình thức kết hợp học tập cá nhân và học tập hợp tác trong luyện tập, thực hành, sáng tạo và trao đổi, thảo luận sẽ mang lại hiệu quả cao cho tiết dạy, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực, khả năng cảm thụ thẩm mĩ và sáng tạo, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và cuộc sống ở học sinh.

Ban truyền thông Trường Tiểu học Vạn Phúc

Đánh giá:
Tổng số điểm của bài viết là: 3/5 trong 8 đánh giá

Chia sẻ: